Chuyên trang Vietnam Briefing của hãng tư vấn đầu tư nước ngoài Dezan Shira & Associates ngày 13/5 đăng bài phân tích xu hướng gia tăng đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam và lý do Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” về đầu tư ở Đông Nam Á.
Theo bài viết, với kim ngạch ngoại thương khoảng 41,3 tỷ USD, EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU trên thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai trong ASEAN. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU bên ngoài châu Âu (sau Mỹ và Trung Quốc).
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 10 tỷ USD trong quý 1/2021. Tổng số lô hàng từ một số nước EU như Đan Mạch, Bỉ, Bồ Đào Nha và Italy tăng 20-25%.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam là sản phẩm công nghệ cao, gồm máy móc-thiết bị điện, máy bay, xe cộ và dược phẩm, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại, sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may, cà phê, gạo, thủy sản và đồ nội thất.
Lợi thế từ Hiệp định lịch sử EVFTA
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực giúp tăng khả năng cạnh tranh giữa các thị trường EU và Việt Nam. Các sản phẩm nước ngoài có thể được hưởng lợi thế về thuế quan do việc bãi bỏ thuế nhập khẩu và điều này sẽ tạo sự cạnh tranh đáng kể đối với các sản phẩm trong nước.
VinFast là nhà sản xuất ô tô nội địa chính thức đầu tiên của Việt Nam. Trong vòng 5 năm tới, VinFast đặt mục tiêu sản xuất khoảng 250.000 ô tô mỗi năm, chiếm 92% tổng số ô tô bán ra tại Việt Nam vào năm 2020. Việc miễn trừ các rào cản hải quan sẽ có lợi cho kế hoạch này, đồng thời tạo sự cạnh tranh mới trên thị trường ô tô EU.
Các công ty EU thường xuyên buôn bán với Việt Nam có thể tìm hiểu liệu sản phẩm của họ có được hưởng lợi từ việc miễn thuế hay không và khi nào sản phẩm của họ có thể được hưởng lợi từ việc miễn thuế bằng cách kiểm tra mã thuế liên quan trong các tài liệu của Ủy ban Thương mại Châu Âu.
Trong báo cáo về nền tảng nghiên cứu và tư vấn chỉ ra rằng, EVFTA cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn đối với các hoạt động mua sắm công ở Việt Nam. Các công ty EU có thể tham gia vào các dự án công và dự án PPP dễ dàng hơn khi hiệp định có hiệu lực, để lại dấu ấn của họ tại Việt Nam.
Việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), trong đó EU và Việt Nam quyết định tạo thuận lợi về môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp hai bên (bao gồm cả việc tăng cường khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là sở hữu trí tuệ), tạo thuận lợi hơn cho các công ty EU đầu tư vào lĩnh vực bị hạn chế trước đây. Ví dụ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong các ngân hàng thương mại đã tăng từ 30% lên 49%.
Ngoài ra, các công ty EU có thể hưởng lợi từ các điều khoản phi kinh tế của EVFTA, như việc đảm bảo tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường. EVFTA góp phần thúc đẩy các giá trị dân chủ ở Việt Nam và do đó khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư EU.
Những đối tác quan trọng
Hiện Anh, Italy và Đức là 3 ba thành viên chính của EU có mức đầu tư đáng kể và quan hệ thương mại ngày càng bền chặt với Việt Nam.
Với Anh, ngày 29/12/2020, Anh và Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do song phương Anh-Việt Nam (UKVFTA) khi Anh rút khỏi EU. Thỏa thuận sẽ xóa bỏ hầu như tất cả các loại thuế quan giữa hai nước. Đại sứ quán Anh tại Việt Nam dự báo, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 151 triệu USD tiền thuế quan từ thỏa thuận này trong khi Anh tiết kiệm được khoảng 36 triệu USD.
Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ hai ở Đông Nam Á sang Anh, sau Thái Lan, với kim ngạch thương mại song phương đạt 6,7 tỷ USD trong năm 2019.
(Nguồn: baoquocte.vn)
TIN LIÊN QUAN