Theo quyết định sơ bộ được đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/11, cơ quan này đưa ra mức thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, tùy thuộc vào công ty sản xuất...
Ảnh minh họa: Reuters
Theo tin từ Rueters, Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/11 đưa ra quyết định về một đợt thuế quan mới với tấm năng lượng mặt nhập khẩu vào Mỹ từ 4 nước Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan. Quyết định được đưa ra sau khi nhiều nhà sản xuất tại Mỹ khiếu nại rằng về tấm năng lượng mặt trời từ 4 quốc gia này đang cạnh tranh thiếu công bằng trên thị trường Mỹ.
Đây là quyết định sơ bộ thứ hai của Bộ Thương mại Mỹ trong vụ khiếu nại nhằm vào tấm năng lượng mặt trời từ 4 nước Đông Nam Á trên của các công ty Hanwha Qcells (Hàn Quốc), First Solar Inc có trụ sở tại bang Arizona (Mỹ) cùng nhiều công ty nhỏ khác của Mỹ. Quyết định sơ bộ đầu tiên được đưa ra vào tháng 10.
Nhóm doanh nghiệp này, tự xưng là Ủy ban Thương mại sản xuất tấm năng lượng mặt trời liên minh Mỹ, cáo buộc các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn của Trung Quốc đặt nhà máy tại Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan khiến giá mặt hàng này lao dốc khi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ.
Theo quyết định sơ bộ được đăng trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ ngày 29/11, cơ quan này đưa ra mức thuế chống bán phá giá từ 21,31% đến 271,2% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Malaysia, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, tùy thuộc vào công ty sản xuất.
Các sản phẩm của công ty Jinko Solar (Trung Quốc) chịu thuế quan 21,31% với xuất xứ từ Malaysia và 56,51% với xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi đó, công ty Trina Solar (Trung Quốc) chịu thuế 77,8% với các sản phẩm sản xuất tại Thái Lan và 54,46% với sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Ngược lại, Bộ Thương mại Mỹ không đưa ra thuế bán phá giá với các sản phẩm của công ty Hanwha Qcells sản xuất tại Malaysia. Hồi tháng 10, Bộ này đã tính toán mức thuế quan 14,72% với sản phẩm của công ty.
“Với thuế quan sơ bộ này, chúng ta đang tiến đến giải quyết tình trạng thương mại bất công và gây hại, bảo vệ hàng tỷ USD vốn đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất cũng như chuỗi cung ứng tấm năng lượng mặt trời của Mỹ”, ông Tim Brightbill của công ty luật Wiley Rein và là người dẫn dầu đội ngũ cố vấn cho nhóm doanh nghiệp khiếu nại trong vụ việc.
Hầu hết tấm năng lượng mặt trời đang được lắp đặt ở Mỹ là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Trong đó, khoảng 80% đến từ 4 nước Đông Nam Á bị áp thuế chống bán phá giá trên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm công ty ở Westby, Wisconsin, Mỹ ngày 5/9/2024 - Ảnh: Reuters
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden thời gian qua đặc biệt chú ý tới dòng vốn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào nâng cao năng lượng sản xuất sản phẩm năng lượng sạch. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trong nước, chính quyền Biden trợ cấp mạnh cho các công ty sản xuất sản phẩm năng lượng sạch trên đất Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát. Đây là một động lực quan trọng thúc đẩy nhiều nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời mới mọc lên tại Mỹ gần đây.
Chỉ trích Đạo luật Giảm lạm phát là quá tốn kém, nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng khẳng định sẽ áp thuế quan mạnh với nhiều mặt hàng xuất khẩu để bảo vệ người lao động Mỹ.
Nguồn: https://vneconomy.vn/my-ap-thue-quan-voi-tam-nang-luong-mat-troi-4-nuoc-dong-nam-a-gom-viet-nam.htm